-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Xuất khẩu trên 3 tỷ USD, triển vọng sáng cho ngành cao su năm 2022
Admin
11/03/2022
0 nhận xét
Đồng lòng về đích
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2021, nhờ giá cao su liên tục tăng bất chấp dịch COVID-19 diễn ra khắp toàn cầu, lượng cao su Việt Nam xuất khẩu chỉ tăng 11,7% so với năm 2020 nhưng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,24 tỷ USD, tăng 36,2% so với năm 2020.
Các chuyên gia ngành cao su đánh giá, cao su Việt Nam đã có mặt tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đứng thứ 3 toàn cầu về giá trị xuất khẩu. Thành công của ngành cao su Việt Nam trong năm qua đến từ việc cao su Việt Nam ngày càng thâm nhập sâu hơn vào các thị trường quan trọng.
Đại diện Hiệp hội cao su Việt Nam chia sẻ cao su luôn nằm trong nhóm những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam. Đặc biệt, nhiều sản phẩm chế biến từ ngành công nghiệp cao su như xăm lốp, găng tay, gioăng cao su… đã chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của ngành cao su.
Trong năm 2021, chỉ riêng Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam đã cung ứng sản lượng mủ cao su khai thác là 402.900 tấn, đạt 106% kế hoạch, tăng hơn 30.000 tấn so với năm 2020, thu mua đạt trên 90.500 tấn, vượt 28% so với kế hoạch; tiêu thụ trên 490.000 tấn, vượt 7% so với kế hoạch.
Tập đoàn có 15 công ty thành viên đã xây dựng phương án quản lý rừng bền vững trên 200.925 ha (chiếm 69,7% tổng diện tích cao su của Tập đoàn tại Việt Nam); trong đó, 12 công ty được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế (VFCS/PEFC-FM) trên 70.030 ha cao su và được cấp chứng chỉ quốc tế PEFC-CoC cho 22 nhà máy chế biến mủ cao su.
'Vàng trắng' lên giá - doanh nghiệp sản xuất cao su hưởng lợi
Tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu cao su trong năm 2021 và có thể cả ở năm 2022 sẽ khiến giá mủ cao su tiếp tục tăng hoặc neo ở mức cao, sẽ cho Việt Nam hưởng lợi kép cả về sản lượng xuất đi và giá trị kim ngạch thu về.
Nguồn cung cao su thiên nhiên toàn cầu dự kiến sẽ thiếu hụt do ảnh hưởng bởi mùa mưa kéo dài ở một số nước châu Á cuối năm 2021.
Theo Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), triển vọng nhu cầu về cao su tự nhiên của thế giới sẽ tăng lên trong thời gian tới. Bởi việc nới lỏng các hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19 như mở lại biên giới quốc tế của một số quốc gia và nối lại các hoạt động kinh tế hơn đã góp phần đáng kể vào sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng cao su trong năm 2022. Vì vậy, triển vọng ngành cao su năm 2022 sẽ vẫn rất sáng, giá bán sẽ tiếp tục giữ ở mức cao.
Phát triển bền vững
Mục tiêu đặt ra của VRG trong năm 2022 là doanh thu hợp nhất dự kiến 30.000 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất dự kiến 6.300 tỷ đồng.
Để có thể làm được điều này, VRG cùng các thành viên bắt tay ngay vào việc xây dựng kế hoạch, các phương án và giải pháp để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2022, đảm bảo mức tăng trưởng chung khoảng từ 5% trở lên so với năm 2021 về doanh thu, lợi nhuận, các chỉ tiêu khác.
Bên cạnh đó, ngành cao su Việt Nam tăng cường quản lý, tổ chức sản xuất, duy trì năng suất vườn cây, thí điểm chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở một số khu vực đủ điều kiện ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao...
Các doanh nghiệp cao su thành viên của VRG cũng tích cực xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, đẩy mạnh công tác kinh doanh, phối hợp tổ chức đánh giá thị trường và dự báo triển vọng thị trường, điều hành cơ chế giá linh hoạt, phù hợp để đảm bảo công tác tiêu thụ đạt hiệu quả cao nhất.
Đồng thời, VRG nói riêng, ngành cao su Việt Nam nói chung thực hiện chứng chỉ quốc gia về quản lý rừng cao su bền vững theo kế hoạch hoạt động phát triển bền vững năm 2021, tăng cường thực hiện lộ trình tái kết nối với FSC (Hội đồng quản lý rừng bền vững), thực hiện các giải pháp phát triển bền vững để mang lại giá trị thương hiệu và giá trị kinh tế cao.
Bình luận:
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.